Dự án tuyến metro số 5 Văn Cao – Hòa Lạc được UBND Hà Nội đề xuất thi công từ năm 2023, hoàn thành năm 2026. UBND TP Hà Nội vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ý kiến thẩm định báo cáo tiền khả thi dự án metro số 5 Văn Cao – Hòa Lạc.
Đây là một trong hai dự án đường sắt đô thị đang được TP Hà Nội chuẩn bị thủ tục đầu tư. Dự án còn lại là tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội – Hoàng Mai.
Hà Nội đề xuất dự kiến thi công tuyến metro Văn Cao – Hòa Lạc từ năm 2023
UBND TP Hà Nội xác định dự án metro Văn Cao – Hòa Lạc sẽ là tuyến đường sắt xuyên tâm, kết nối trung tâm thủ đô với các đô thị dọc đại lộ Thăng Long.
Điểm đầu tuyến ở nút giao Văn Cao – Hoàng Hoa Thám. Đoạn đi ngầm kéo dài từ đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng đến Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia (tổng chiều dài đi ngầm là 6,5 km).
Sau khi đi ngầm qua vành đai 3, tuyến sẽ đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa dải phân cách của đại lộ Thăng Long. Từ đây, tuyến số 5 sẽ đi thẳng theo dải phân cách giữa, vượt qua các nút giao bằng cầu vượt.
Từ nút giao Hòa Lạc đến cuối tuyến (thôn Thạch Bình, xã Yên Bình), tuyến đi trên giải phân cách giữa của dự án cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình (tổng chiều dài đi trên mặt đất là 29,93 km, chỉ có 2 km đi trên các cầu vượt).
Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB). Theo thiết kế, toàn tuyến có tổng cộng 21 nhà ga (6 ga ngầm, 15 ga nổi) và 2 depot.
Tổng vốn đầu tư dự kiến là 65.404 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB là 811 tỷ đồng, chi phí xây dựng và mua sắm thiết bị là 41.473 tỷ đồng, phí dự phòng là 16.900 tỷ đồng, phí quản lý dự án là 6.220 tỷ đồng.
UBND TP Hà Nội đã xác định nguồn vốn để thực hiện dự án được huy động từ 5 nguồn, gồm vốn đầu tư công, vốn từ quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp, vốn từ đấu giá đất, vốn phát hành trái phiếu và vốn vay các tổ chức tài chính.
Tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao – Hòa Lạc được coi là tuyến quan trọng trong việc kết nối giao thông đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh thủ đô Hà Nội.
- Điểm đầu: Tại Hồ Tây vị trí đầu đường Văn Cao, điểm cuối tại Hòa Lạc.
- Chiều dài: 39km
- Lộ trình: Hồ Tây – Văn Cao – Ngọc Khánh – Đại lộ Thăng Long – Vành đai 4 – Hòa Lạc. Đoạn từ Nam Hồ Tây – Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng – Trung tâm Hội nghị quốc gia đi ngầm, đoạn tiếp theo đi trên mặt đất hoặc đi cao trong phạm vi dải phân cách giữa của đại lộ Thăng Long.
- Tiến độ thực hiện: Đang trong quá trình lập dự án, dự kiến vận hành đoạn Văn Cao – Vành đai 4 từ 2020-2030, đoạn vành đai 4 – Hòa Lạc vận hành sau 2030.
Theo nghiên cứu về nhu cầu vốn, từ năm 2021, 31,1 tỷ đồng sẽ được chi cho công tác tư vấn, quản lý dự án. Sang năm 2022, 162,2 tỷ đồng sẽ được chi cho công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật.
Dự kiến, báo cáo tiền khả thi của dự án sẽ được hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021. Từ năm 2021 đến 2022, dự án sẽ được hoàn thành báo cáo khả thi để Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư.
Các bước thiết kế xây dựng, dự toán và giải phóng mặt bằng sẽ được hoàn tất trong giai đoạn 2021-2023. Từ năm 2023, dự án bắt đầu thi công để bàn giao vào năm 2026.