Hai phân khu lõi hút đầu tư
Theo Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đô thị Hòa Lạc với tính chất và chức năng cơ bản là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, công nghệ cao (CNC) của cả nước; trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề; trung tâm y tế, khám chữa bệnh, điều dưỡng. Đồng thời là đô thị sinh thái – nghỉ dưỡng theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội.
Đô thị Hòa Lạc nằm trong địa giới hành chính của 10 xã thuộc huyện Thạch Thất, 6 xã thuộc huyện Quốc Oai và một phần xã Cổ Đông thị xã Sơn Tây (tổng diện tích 17.294ha, chia thành 2 vùng đặc trưng là vùng nội thị và vùng vành đai xanh). Đến năm 2030 và những năm tiếp theo, dân số đô thị Hòa Lạc tối đa khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 510.000 người, dân số ngoại thị khoảng 90.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 85%.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, để cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thời gian tới đây UBND TP sẽ triển khai 6 quy hoạch phân khu vùng nội thị, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc, đẩy nhanh việc thu hút đầu tư… Trong đó, 2 quy hoạch phân khu quan trọng, là phần lõi của đô thị Hòa Lạc gồm Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc và Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt. Hiện, việc đầu tư xây dựng tại hai phân khu này đã và đang thực hiện có hiệu quả, nhất là tại Khu CNC Hòa Lạc, hạ tầng khung toàn khu đã hoàn thiện, có quỹ đất sạch, Hà Nội đã kêu gọi các nhà đầu tư vào triển khai dự án.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung, tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích đất các nhà đầu tư đang sử dụng tại Khu CNC Hòa Lạc là khoảng 240 ha/1.000 ha đất khả dụng theo quy hoạch. Hiện đã có 94 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 89.300 tỷ đồng, trong đó có 52 dự án đang hoạt động. Nhiều dự án của các tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước đã có mặt tại đây, như: Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec và Tập đoàn Nissan Techno (Nhật Bản), Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) và các tập đoàn: Viettel, VNPT, Vingroup, FPT… Tại Khu CNC Hòa Lạc hiện có gần 9.000 học sinh, sinh viên và khoảng 13.000 người lao động đang học tập, làm việc.
Trái với sự hoàn thiện, đầu tư nhộn nhịp của Khu CNC Hòa Lạc, tiến độ xây dựng Khu ĐHQG Hà Nội đang chậm hơn do vướng mắc về vốn và chính sách GPMB. Tổng diện tích quy hoạch của ĐHQG Hà Nội khoảng 1.113,7ha, trong đó khu vực dự án ĐHQG Hà Nội 1.000ha, khu tái định cư 113,7ha nhưng đến nay mới chỉ triển khai được xây dựng được 5 toà nhà và 6 tuyến đường chưa kết nối đồng bộ.
Bốn phân khu phát triển đô thị, nhà ở
Bên cạnh 2 quy hoạch phân khu lõi trên, tại Khu đô thị Hòa Lạc, phần lớn quỹ đất nhằm phát triển đô thị sinh thái, hình thành chuỗi đô thị, nhà ở theo 4 quy hoạch phân khu như sau: Đô thị sinh thái HL3 (781,2ha, dân số 50.000 người) có tính chất là khu vực phát triển đô thị sinh thái, rừng cảnh quan trong đô thị; Đô thị sinh thái HL4 (1.854,04ha, dân số 145.000 người), là khu vực trung tâm đô thị Hòa Lạc; Đô thị sinh thái HL5 (1.111,63ha, dân số 75.000 người), là đô thị phát triển mật độ cao, trung tâm TDTT đô thị, cây xanh tập trung; Khu đô thị Phú Cát – Hòa Thạch (HL6) quy mô 718,56ha, dân số 84.000 người, là vùng phát triển đô thị của đô thị Hòa Lạc được xác định là đô thị phát triển mật độ cao.
Theo ông Lưu Quang Huy, sau khi Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh triển khai các đồ án quy hoạch phân khu đô thị cũng như các đồ án quy hoạch chi tiết làm cơ sở để quản lý, hoàn thiện chỉnh trang đô thị theo quy hoạch làm động lực cho việc phát triển kinh tế – xã hội của TP. Do đó, việc lập các quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc (HL3, HL4, HL5, HL6) nhằm cụ thể hóa và định hướng phát triển theo quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, làm cơ sở phục vụ công tác quản lý xây dựng đô thị, triển khai thực hiện các chủ trương đầu tư xây dựng, lập quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư xây dựng là rất cần thiết. “Hiện, các quy hoạch phân khu này đang được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức xin ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch. Sau khi nhiệm vụ quy hoạch được lập, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch TP thẩm định và được Sở QH-KT trình UBND TP phê duyệt, lúc đó mới đủ cơ sở để lập đồ án quy hoạch các phân khu tại đô thị Hòa Lạc” – ông Lưu Quang Huy nói.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội cho hay, trong 5 quy hoạch đô thị vệ tinh, duy nhất đô thị Hòa Lạc được Thủ tướng phê duyệt, cho thấy tầm quan trọng của khu đô thị này đối với Hà Nội cũng như cả nước. Để đô thị Hòa Lạc tạo sức hút với quy mô 60 vạn dân đến sống, đồng nghĩa cứu cánh cho đô thị trung tâm, Hà Nội cần đẩy nhanh quy hoạch phân khu để kêu gọi các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đáng lưu ý, đô thị chủ yếu chuyển đổi từ đất nông nghiệp nên cần bảo đảm an ninh lương thực và hài hòa trong phát triển quỹ đất. Chế độ đền bù đất đai phải bảo đảm, có hướng chuyển dịch cho lao động nông thôn.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan nhìn nhận, đô thị Hòa Lạc có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển TP Hà Nội nói chung và huyện Thạch Thất nói riêng. Gắn kết Thạch Thất với các huyện, các tỉnh, tạo cơ hội cho huyện khơi dậy, phát huy và thu hút tối đa các nguồn lực vào phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Do đó, việc Sở QH – KT, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và các sở, ngành TP đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của các khu vực trong đô thị Hòa Lạc là rất cần thiết. Đồng thời, huyện cũng kiến nghị sớm triển khai cắm mốc ranh giới để thuận lợi cho công tác quản lý trật tự xây dựng. Sớm tổ chức lập quy hoạch vùng, ngành để huyện Thạch Thất rà soát, đề xuất, cập nhật một số nội dung điều chỉnh quy hoạch chung huyện kết nối với đô thị Hòa Lạc.
Trong khi chờ các ngành chức năng, UBND TP Hà Nội lập và phê duyệt các quy hoạch tại đô thị Hòa Lạc, lãnh đạo huyện đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục nghiên cứu quy hoạch theo chức năng, thẩm quyền, tham mưu thực hiện tốt công tác quản lý, công tác tuyên truyền nhằm công khai rộng rãi tới mọi tầng lớp Nhân dân về các nội dung quy hoạch. Cùng với đó là quy định quản lý đồ án quy hoạch để Nhân dân biết và chấp hành tốt các quy định về quản lý trật tự xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan |