Nhờ tài trợ của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội xây ba dự án tổng giá trị 125,18 triệu USD tại Hòa Lạc, Hà Nội.
Ngày 1/7, Ban giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản tài chính trị giá 422 triệu USD (gần 10.000 tỷ đồng) để nâng cao chất lượng của ba đại học Việt Nam và hỗ trợ thành phố Vĩnh Long tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Trong đó, dự án Phát triển Đại học Việt Nam được hỗ trợ 295 triệu USD, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu của ba đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP HCM và Đà Nẵng. Thông qua các khoản đầu tư vào cơ sở vật chất và chuyển giao tri thức, dự án được kỳ vọng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ba đại học này thành các cơ sở giáo dục có khả năng cạnh tranh ở cấp khu vực.
Dự án đầu tư xây dựng cơ sở mới của Đại học Quốc gia Hà Nội có kinh phí 125,18 triệu USD (gần 3.000 tỷ đồng), trong đó vốn từ Ngân hàng thế giới là 100,87 triệu USD, vốn cung ứng từ Chính phủ Việt Nam trị giá 24,31 triệu USD. Với khoản tín dụng này, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng Đại học Công nghệ (8 ha), Khu các viện và trung tâm nghiên cứu (6,6 ha), Khu Trung tâm (22,89 ha) trên tổng số 1.000 ha ở Hòa Lạc.
Dự kiến, trường sẽ xây dựng 18 tòa nhà 1-8 tầng cùng lớp học, văn phòng, thư viện, phòng thí nghiệm, khu vực trung tâm thể thao và hai trạm xử lý nước thải, sân, đường nội bộ cùng hệ thống thoát nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tác động tích cực đến môi trường – xã hội, hình thành khu vực đô thị đại học với không gian xanh, sáng tạo, mang đến cho sinh viên, giảng viên môi trường học tập tích cực.
Trước đó năm 2003, dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đến tháng 3/2013, dự án được Thủ tưởng phê duyệt. Mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất khu vực Ðông Nam Á.
Đây cũng sẽ là khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm 9 trường đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh. Tuy nhiên, hơn 15 năm qua, dự án mới được đầu tư 1.700 tỷ đồng, chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và làm đường.